Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2023

Social Media Detox

 

1.    Social Media Detox là gì?

Ngày nay, mạng xã hội là điều không thể thiếu của rất nhiều người. Mạng xã hội xâm nhập vào trong cuộc sống của chúng ta ở rất nhiều khía cạnh, từ giao tiếp với bạn bè đến học kiến thức, kỹ năng, tham gia các hội nhóm và mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là dành nhiều thời gian cho điện thoại sẽ có lợi cho người dùng. Những tác động mà mạng xã hội có thể gây ra đối với sức khỏe tinh thần và thậm chí cả thể chất là rất nhiều; và đôi khi người cần phải thải độc mạng xã hội, hay đôi khi cần cai nghiện mạng xã hội. .

Social media detox liên quan đến việc tách bản thân ra khỏi các nền tảng mạng xã hội trong một khoảng thời gian; hoặc đôi khi là vĩnh viễn. Đôi khi bạn không nhận ra bạn cần thải độc mạng xã hội, vì bạn xem đó như là một nơi tuyệt vời để giao lưu, học hỏi, và duy trì kết nối và bạn cũng thường nghĩ rằng "nghiện mạng xã hội" là chuyện của ai đó không phải của bạn, nhưng hãy đếm số lần bạn mở mạng xã hội mỗi ngày, hãy tính tổng thời gian bạn lướt mạng xã hội trong vô thức. Hoặc nếu bạn cảm thấy như mạng xã hội chiếm lấy cuộc sống của mình, nếu nó khiến tâm trí bạn bận tâm hoặc nếu bạn thấy mình liên tục và có thói quen với lấy điện thoại, thì đây có thể là những dấu hiệu cho thấy đã đến lúc bạn nên thải  độc mạng xã hội.  

(Nguồn hình: https://www.digitalinformationworld.com/2021/03/the-social-media-detox-how-attitude.html)


Một số cách gọi có liên quan đến social media detox như là social media detoxification, social media break, hay social media cleanse.

2.    Những lợi ích khi detox mạng xã hội

·      Làm sạch tâm trí:  Cai nghiện mạng xã hội cho bạn cơ hội để giải tỏa tâm trí. Chúng ta bị cuốn hút vào thế giới trực tuyến với những người đẹp, người tài, những người nổi tiếng hay thế giới của cuộc sống người khác. Nhiều thứ khác khiến chúng ta phân tâm như đồ ăn mặt, mua sắm, những đoạn phim hay, những tin tức sốt dẻo. Đó là sự lộn xộn không cần thiết, và cuối cùng thì hầu hết những thứ đó đều vô dụng và làm xáo trộn sự yên tĩnh của bạn. Tạm dừng sử dụng mạng xã hội sẽ cho bạn cơ hội lùi lại một bước và thực sự đánh giá điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn cũng như cách sử dụng thời gian và không gian tinh thần của bạn tốt hơn nhiều.

·      Lấy lại quyền kiểm soát thói quen kỹ thuật số của bạn: Bạn thường mở điện thoại một cách vô thức. Mỗi khi bạn kéo màn hình xuống hoặc refresh lại ứng dụng, bạn hy vọng có thông báo mới hoặc có ai đó nhấn “like”, chia sẻ hay bình luận bài viết của bạn, bạn sẽ thấy có chút phấn khích. Các mạng xã hội cố ý thu hút bạn dựa trên những hành vi này. Vì các trang mạng hay các ứng dụng này đã được tối ưu hóa và theo tư vấn của nhà khoa học hành vi và nhà tâm lý học mà các nền tảng mạng xã hội này đã thuê để giúp bạn luôn tương tác với ứng dụng của họ. Tại sao họ làm vậy? Vì vậy, bạn tiếp tục quay lại và ở lại trên nền tảng của họ lâu hơn. Bạn ở trên nền tảng của họ càng lâu và càng quay lại nhiều thì họ càng có thể phân phát cho bạn nhiều quảng cáo hơn. Nếu họ có thể trình chiếu cho bạn càng nhiều quảng cáo, họ càng kiếm được nhiều tiền hơn từ bạn. Mạng xã hội thực sự không phải là kết nối bạn với mọi người, mà là giữ cho bạn và bộ não của bạn nghiện; và nghiện đến đến mức bạn không còn thực sự kiểm soát được thói quen kỹ thuật số của mình nữa.

·      Cải thiện sự tự tin: Khi bạn lướt trên mạng xã hội, bạn không ngừng so sánh khi đọc bài đăng của những người khác: họ xinh đẹp, có cuộc sống thành công, họ tài giỏi và bạn bắt đầu nghĩ rằng mình luôn kém cỏi và thiếu sót; để rồi sau đánh giá con người thật của bản thân và và bạn lại cố gắng trở thành thứ mà bạn nhìn thấy trên mạng xã hội. Cai nghiện kỹ thuật số sẽ giúp bạn tập trung khỏi sự so sánh và cho bạn thời gian để tham gia vào những điều khiến bạn hạnh phúc.

·      Giảm bớt sự lo lắng: Đôi khi bạn cũng nằm trong trào lưu khoe mẽ trên mạng xã hội để cho thiên hạ thấy mức độ thành công, xinh đẹp, đáng yêu hoặc tự tin của bạn và đôi khi điều đó tạo ra sự cạnh tranh về số lượt thích, lượt xem hoặc nhận xét mà bạn nhận được. Tình trạng này có thể dẫn đến áp lực cho bạn, trong việc đăng bài, theo dõi tương tác và vô số các lo lắng khác. Rời bỏ, hay ít nhất là hạn thói quen lướt mạng xã hội có thể cho bạn thời gian để thư giãn và phá vỡ chu kỳ độc hại này.

·      Kết nối nhiều với mọi người trong đời thực: Việc ngừng sử dụng mạng xã hội sẽ khiến bạn trở nên hòa đồng và tương tác hơn. Giao tiếp mặt đối mặt là điều cần thiết để các mối quan hệ phát triển và lâu dài.

·      Giảm bới hiệu  ứng FOMO: Cai nghiện mạng xã hội giúp bạn không còn tập trung vào những gì người khác đang làm và quay trở lại cuộc sống hàng ngày của chính bạn.

·      Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là bạn sẽ có nhiều thời gian rảnh hơn. Thay vì dành 2 giờ mỗi ngày cho mạng xã hội, hãy nghĩ về việc dành 2 giờ đó cho một cái gì đó sáng tạo hoặc chăm sóc bản thân.

 

3.    Làm thế nào để detox mạng xã hội?

·      Xóa các ứng dụng mạng xã hội, và đừng tìm cách cài đặt lại.

·      Tìm một người đồng hành cùng thải độc mạng xã hội: nghĩa là có ai biết đến việc này, cùng chung mục tiêu, động viên, giám sát và nhắc nhở lẫn nhau. Điều đó rất có tác dụng. Bạn có nhiều khả năng bám sát mục tiêu của mình hơn — hoặc ngược lại, cảm thấy bớt nản lòng hơn khi thất bại — khi bạn có một người đồng hành để dựa vào.

·      Tạo một số rắc rối nho nhỏ cản trở hành động truy cập mạng xã hội như: khóa ứng dụng trong giời làm việc, đặt hình nền là một câu nhắc nhở bản thân, tạo khóa màn hình đặc biệt… Điều này cũng làm giảm đáng kể thời  gian bạn online trên mạng xã hội.


(Nguồn hình https://notesbythalia.com/social-media-detox-mindful-activities/)

·      Ý thức rằng thời gian là một nguồn tài nguyên có giá trị và phí thời gian trên mạng xã hội tức là đã lãng phí nguồn tài nguyên quý giá này. Rủi ro thay là, tiền bạc khi lãng phí còn tìm lại để bù đắp được, nhưng thời  gian thì không.

·      Ngừng sử dụng điện thoại làm đồng báo thức và tìm một cái đồng hồ báo thức thực sự. Vì nếu điện thoại báo thức bạn, bạn sẽ cầm điện thoại trên tay ngay khi bạn thức dậy, nhiều khả năng bạn sẽ bỏ qua khoảnh khắc thư thái đó và chuyển thẳng sang thao tác cuộn và lướt trên mạng xã hội.

·      Đặt giới hạn thời gian cho ứng dụng mạng xã hội: Một số ứng dụng như Freedom, giúp thiết lập các khoảng thời gian chặn các ứng dụng mạng xã hội và thậm chí bật "Chế độ đã khóa" sẽ không cho phép bạn hủy các giới hạn thời gian đó đó — bất kể bạn có cầu xin bao nhiêu. Và thế là bạn không thể truy cập mạng xã hội trong giới hạn thời gian đã cài đặt

·      Thay thế thói quen sử dụng mạng xã hội của bạn bằng thứ gì đó không liên quan đến công nghệ như đọc sách, học một ngôn ngữ mới, đi tập gym, đi chơi bên ngoài, trò chuyện cùng bạn bè, thiền định. Bạn cũng có thay thế thói quen kỹ thuật số của mình bằng một thói quen kỹ thuật số hiệu quả hơn, như nghe podcast, viết sách, tham gia một khóa học trực tuyến…

Tài liệu tham khảo

 

[1].         https://greatist.com/health/social-media-cleanse#how-to-get-started

[2].         https://www.theguardian.com/media/2022/dec/15/i-didnt-realise-how-badly-it-affected-me-until-i-was-off-it-should-more-of-us-try-a-social-media-detox

[3].         https://www.goodhousekeeping.com/life/g30681374/social-media-detox-tips/

[4].         https://www.youngminds.org.uk/young-person/blog/the-mental-health-benefits-of-a-social-media-detox/

[5].         https://www.medicalnewstoday.com/articles/321498#5.-Social-media-decreases-productivity

[6].         https://declutterthemind.com/blog/social-media-detox/

[7].         https://www.integrativenutrition.com/blog/social-media-detox

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Philanthropic Corporate Social Responsibility (CSR)

Philanthropic Corporate Social Responsibility (CSR) là một khía cạnh của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, nơi các doanh nghiệp tham gia vào ...