Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2023

CEX –Centralized Exchanges

  1.    CEX là gì?

CEX là một nền tảng trao đổi tiền điện tử được điều hành bởi một chủ sở hữu tập trung, trong đó các nhà đầu tư có thể thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền điện tử như mua bán tiền điện tử bằng tiền pháp định, hoặc chuyển đổi một loại tiền điện tử này sang một loại tiền điện tử khác. Chủ sở hữu của CEX thường là những tập đoàn được cấp phép hoạt độn, có sự hiện diện thực tế, tức là trụ sở làm việc, có tuyển dụng nhân viên và các cơ sở hạ tầng khác.


(Nguồn hình: https://blog.injective.com/dex-vs-cex/)


Khi giao dịch trên CEX, người dùng tạo những đơn đặt hàng với những yêu cầu giao dịch cho một lượng tiền điện tử nhất định được đặt ở một mức giá cụ thể. Các nền tảng CEX sử dụng phần mềm đặc biệt để phân tích các lệnh giao dịch do người dùng gửi, sau đó tự động khớp và thực hiện các giao dịch mua bán. Người dùng của các sàn giao dịch tập trung không giao dịch trực tiếp với nhau. Thay vào đó, sàn giao dịch có quyền giám sát các khoản tiền gửi vào nó. Các nhà giao dịch nhận được IOU (I Owe You - một dạng giấy nợ tuyên bố bằng văn bản về nghĩa vụ trả nợ của người đi vay) phù hợp với số tiền ký gửi. IOU được theo dõi nội bộ trên toàn bộ nền tảng giao dịch và không được chuyển đổi thành tiền tệ thực tế cho đến khi rút tiền.

 

2.   Vai trò của CEX

            CEX có ba vai trò chính

-       So khớp lệnh:  Trong một sàn giao dịch tiền điện tử, người mua và người bán giao dịch với nhau. Điều này có nghĩa là bạn mua tiền điện tử từ một người dùng khác của sàn giao dịch thay vì từ chính sàn giao dịch đó.

-       Thanh toán bù trừ đối tác: Sàn giao dịch cũng hoạt động như một đối tác thanh toán bù trừ trung tâm. Thanh toán là ẩn danh cho cả hai bên vì người mua sẽ không biết ai là người bán và ngược lại. Ngoài ra, với tư cách là đối tác thanh toán bù trừ trung tâm, CEX xử lý toàn bộ quá trình giao dịch và đảm bảo rằng tất cả các nghĩa vụ được đáp ứng giữa người mua và người bán và giao dịch thực sự hoàn tất.

-       Giám hộ: Sàn giao dịch cũng đóng vai trò là người giám sát đối với bất kỳ khoản tiền mặt và/hoặc tiền điện tử nào được giữ trong tài khoản của bạn. Một số sàn giao dịch cho phép bạn gửi tiền pháp định, chẳng hạn như đô la Mỹ hoặc euro, trong khi những sàn khác chỉ cho phép bạn gửi tiền điện tử như bitcoin (BTC) hoặc ether (ETH). Cho dù đó là tiền pháp định hay tiền điện tử, sau khi được ký gửi, chúng đều thuộc quyền giám sát của sàn giao dịchtương tự như khi bạn gửi tiền vào ngân hàng để ngân hàng giữ tiền của mình.

 

3.   Các yếu tố quan trọng của CEX

 Sự thành công hay thất bại của một cuộc trao đổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Những yếu tố quan trọng nhất đối với một CEX bao gồm:

-       Khối lượng giao dịch: khối lượng giao dịch càng cao thì mức độ biến động và thao túng thị trường có thể xảy ra trên sàn giao dịch đó càng thấp.

-       Bảo mật: Bảo mật là một yếu tố quan trọng khác của một sàn giao dịch tập trung thành công. Mặc dù không có sàn giao dịch nào hoàn toàn miễn nhiễm với hoạt động độc hại như hack, nhưng một số sàn lại an toàn hơn những sàn khác.

-       Cách thức xử lý sự cố:  Cách một sàn giao dịch phản ứng với một sự kiện chẳng hạn như một vụ hack có thể được coi là một yếu tố quan trọng.

4.    Ưu điểm của CEX

-       Hạn chế được các sự cố rủi ro: Hiện nay, toàn bộ thế giới tiền điện tử đều trực tuyến. Các giao dịch thường liên quan đến việc sử dụng các thuật ngữ phức tạp khiến các nhà đầu tư cảm thấy không hoàn toàn thoải mái và yên tâm. Ngoài ra, việc không có bất kỳ cơ quan tập trung nào cung cấp tính hợp pháp khiến các giao dịch trực tuyến trở nên rủi ro và thậm chí mờ ám. Thực tế cũng đã có những vụ bê bối liên quan đến giao dịch tiền điện tử. Vì vậy nên các nhà đầu tư thận trọng muốn đảm bảo rằng họ giao dịch với một trung gian có uy tín để bảo vệ họ trước những vụ bê bối như vậy. Và CEX là nơi được xem là trung gian uy tín này. Các tổ chức CEX hiện nay đều được quy định phải có sự hiện diện thực tế và được quản lý bởi chính phủ, điều này làm cho các nhà đầu tư cảm thấy yên tâm khi sử dụng dịch vụ của CEX.

-       Khách hàng tổ chức có thể truy cập thay vì chỉ cho phép khách hàng cá nhân: Hầu hết các giao dịch tiền điện tử được thực hiện hiện nay đến từ các nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, có một số nhà đầu tư tổ chức muốn đầu tư vào tiền điện tử vì mục đích đa dạng hóa. Quy định đối với nhà đầu tư tổ chức là họ chỉ được phép giao dịch với các bên có uy tín. Đối với những trường hợp như vậy, các CEX rất quan trọng vì chúng cung cấp cơ chế duy nhất cho các tổ chức để đầu tư vào thị trường tiền điện tử.

-       Các dịch vụ liên quan: CEX có cơ sở hạ tầng chuyên dụng để lưu trữ tiền kỹ thuật số, có tính bảo mật cao. Một số sàn giao dịch này thậm chí còn cung cấp dịch vụ trong đó tiền kỹ thuật số được lưu trữ ngoại tuyến dưới dạng phần cứng đặc biệt. Những dịch vụ này rất có giá trị đối với các nhà đầu tư khi mà họ rất quan tâm đến sự an toàn của khoản đầu tư của họ. Ngoài ra, CEX còn cung cấp nhiều dịch vụ quan trọng cho các nhà đầu tư tiền điện tử như giải thích các kiến thức liên quan đến tiền điện tử cho nhà đầu tư, tư vấn các chiến lược đầu tư,  báo cáo tình hình thị trường, hỗ trợ ra quyết định đầu tư và có thể cung cấp dịch vụ giám sát.

-       Bảo hiểm: Các sàn giao dịch tiền điện tử biết rằng cho dù bảo mật của họ có công nghệ cao đến đâu, họ vẫn sẽ là đối tượng dễ bị tấn công kỹ thuật số. Vì lý do này mà tiền tại một sàn giao dịch tiền điện tử được bảo hiểm. Một khoản phí bổ sung được tính để cung cấp bảo hiểm như vậy nhưng nó mang lại sự an tâm cho các nhà đầu tư.

5.    Nhược điểm của CEX

  Có một số nhược điểm khi sử dụng các sàn giao dịch tập trung.

-       Nhà đầu tư có ít lựa chọn hơn khi thực hiện giao dịch: Trong hầu hết các sàn giao dịch tập trung, chỉ có 40 đến 50 loại tiền điện tử có sẵn để giao dịch. Đây là một phần nhỏ trong tổng số tiền điện tử trong vũ trụ tiền điện tử. Vì những sàn giao dịch này rất quan tâm đến danh tiếng của họ nên họ chỉ cho phép niêm yết các loại tiền điện tử có uy tín. Tuy nhiên, điều này cũng làm giảm số lượng các tùy chọn giao dịch. Các tùy chọn giảm cũng có tác động tài chính vì hầu hết sự tăng trưởng trong vài năm qua đến từ các loại tiền điện tử mới hơn.

-       Quy định nghiêm ngặt: Sàn giao dịch tập trung được cấp phép bởi chính phủ nên họ phải tuân theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của chính phủ. Định mức nhận KYC (Know Your Customer - quy trình xác minh danh tính của khách hàng) tại một số sàn giao dịch này tương đương với định mức của các ngân hàng lớn nên bị giới hạn. Dữ liệu tại các sàn giao dịch này cũng có thể được truy cập bởi các chính phủ và cơ quan quản lý. Vì vậy, những quy định nghiêm ngặt làm mất lòng các nhà đầu tư thích sự riêng tư.

-       Rủi ro phá sản: Các sàn giao dịch tập trung cũng là các tập đoàn tư nhân. Do đó, số tiền mà nhà đầu tư gửi vào CEX chính là một khoản vay CEX nợ nhà đầu tư. Bất cứ nơi nào có khoản vay, luôn có khả năng vỡ nợ.

Thực tế là các sàn giao dịch tiền điện tử tập trung cung cấp một số tính hợp pháp cho việc giao dịch các loại tiền kỹ thuật số. Trong trường hợp không có các sàn giao dịch này, việc tham gia và giao dịc trên thị trường tiền điện tử có thể đầy rủi ro.

6.   Một số CEX đang hoạt động

  • Bithumb là một nền tảng trao đổi tiền điện tử của Hàn Quốc được thành lập năm 2014 và được điều hành bởi công ty BTC Korea.com Co. Ltd và có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc. Nó có tính năng chống giả mạo dữ liệu giao dịch, xác minh SMS được bảo mật, mã hóa dữ liệu thích ứng cao, hệ thống kiểm soát an ninh máy chủ 24/7 và hệ thống giao dịch thời gian thực ổn định. Nền tảng Bithumb cho phép người dùng trao đổi Won Hàn Quốc lấy Ethereum (ETH/KRW), Ethereum Classic (ETC/KRW), Ripple (XRP/KRW), Litecoin (LTC/KRW), Dash (DASH/KRW), Bitcoin (BTC /KRW). Bithumb cung cấp dịch vụ sàn giao dịch tập trung (Bithumb Global, Bithumb Singapore), Sàn giao dịch phi tập trung (Bithumb DEX), OTC (Ortus), Nền tảng thông tin về thị trường tiền điện tử (Xangle), Chuyển tiền (BithumbCash) và Dịch vụ tư vấn (Bithumb Block Deal). Vào ngày 22 tháng 3 năm 2021, Bithumb đã được Nexon mua lại với mức định giá là 1,7 tỷ đô la.

(Nguồn hình: https://coingape.com/breaking-bithumb-exchange-faces-second-investigation-in-a-row/)


  • Binance được thành lập năm 2017, trụ sở chính ở Malta, hiện được xem là nhà cung cấp cơ sở hạ tầng blockchain và tiền điện tử hàng đầu thế giới với bộ sản phẩm tài chính bao gồm sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số lớn nhất tính theo khối lượng giao dịch. Nền tảng Binance được dành riêng để tăng cường tự do tìm kiếm lợi nhuận cho người dùng. Binance có danh mục sản phẩm và dịch vụ liên quan đến tiền điện tử phong phú như giao dịch, giáo dục, dữ liệu và nghiên cứu, các giải pháp cơ sở hạ tầng và phi tập trung hóa...



(Nguồn hình: https://www.binance.com/en/blog/ecosystem/introducing-bnb-chain-the-evolution-of-binance-smart-chain-421499824684903436)

  • Coinbase được thành lập năm 2012 bởi Brian Armstrong và Fred Ehrsam, trụ sở ở San Francisco, United States. Từ cuối năm 2012, Coinbase bắt đầu cho phép khách hàng mua và bán bitcoin thông qua chuyển khoản ngân hàng; dần dần Coinbase đã phát triển thành một trong những sàn giao dịch tiền điện tử có khối lượng giao dịch lớn nhất, cung cấp giao dịch cho Ethereum, Bitcoin Cash, Litecoin, XRP và “USD Coin” của riêng mình. Coinbase cũng điều hành một nhánh đầu tư mạo hiểm, được đặt tên là Coinbase Ventures, hiện đang đầu tư vào các dự án đang đóng góp cho một hệ thống tài chính mở. Đến nay, Coinbase Ventures đã thực hiện hơn 50 khoản đầu tư dự án, chẳng hạn như BlockFi, Etherscan, Dharma, Abacus và Matic, v.v.
(Nguồn hình: https://fintechmagazine.com/crypto/google-and-coinbase-partner-up-to-expand-web3-ecosystem)


Các thông tin về CEX   đang hoạt động có thể xem thêm tại  https://www.blockdata.tech/markets/use-cases/centralized-exchanges

 

Tài liệu tham khảo

[1].       https://managementstudyguide.com/centralized-cryptocurrency-exchanges.htm

[2].       https://www.gemini.com/cryptopedia/centralized-exchanges-crypto

[3].       https://www.investopedia.com/tech/what-are-centralized-cryptocurrency-exchanges/

[4].       https://www.babypips.com/crypto/learn/what-is-a-centralized-exchange-cex

[5].       https://www.forbes.com/advisor/investing/cryptocurrency/best-crypto-exchanges/

[6].       https://www.coindesk.com/learn/what-is-a-cex-centralized-exchanges-explained/

[7].    https://coingape.com/breaking-bithumb-exchange-faces-second-investigation-in-a-row/

https://www.blockdata.tech/markets/use-cases/centralized-exchanges

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Fraud Triangle

 Tam giác gian lận, tiếng Anh là fraud triangle , là một mô hình lý thuyết được sử dụng để giải thích hành vi gian lận trong các tổ chức. Mô...