Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2025

The Myers-Briggs Test


The Myers-Briggs Type Indicator (MBTI), thường được gọi ngắn gọn là Myers-Briggs Test, là một công cụ trắc nghiệm tâm lý dùng để xác định các kiểu tính cách của con người, được phát triển bởi Katharine Cook Briggs và con gái Isabel Briggs Myers vào những năm 1940.


(Nguồn: https://worldofwork.io/2019/07/myers-briggs-type-indicator-personality-tests/)


Myers-Briggs Test được xây dựng dựa trên lý thuyết các loại hình tâm lý (Psychological Types) của Carl Gustav Jung. MBTI phân loại tính cách thành 16 kiểu (types) dựa trên bốn cặp yếu tố đối lập, mỗi cặp thể hiện một khía cạnh cơ bản trong cách con người vận hành và phản ứng với thế giới:

  • Extraversion (E) – Introversion (I)

E: Hướng ngoại, thích giao tiếp, lấy năng lượng từ thế giới bên ngoài.

I: Hướng nội, thích sự riêng tư, lấy năng lượng từ thế giới nội tâm.


  • Sensing (S) – Intuition (N)

S: Tập trung vào dữ kiện thực tế, chi tiết cụ thể.

N: Tập trung vào ý nghĩa, khả năng tiềm tàng và các mô hình trừu tượng.

  • Thinking (T) – Feeling (F)

T: Quyết định dựa trên lý trí, nguyên tắc, logic.

F: Quyết định dựa trên giá trị cá nhân và cảm xúc.

  • Judging (J) – Perceiving (P)

J: Thích lên kế hoạch, có tổ chức, thích sự kiểm soát.

P: Thích sự linh hoạt, tùy cơ ứng biến, thích khám phá các lựa chọn mở.


16 kiểu tính cách MBTI

Kết hợp 4 cặp yếu tố trên, MBTI cho ra 16 kiểu tính cách khác nhau, mỗi kiểu mang theo cách nhận thức, quyết định, và ứng xử riêng biệt.


(Nguồn: https://jethrojeff.com/)


  • INTJ – Nhà khoa học

Đây là loại tính cách hiếm nhất. INTJ là nhóm tính cách có xu hướng thiên về hoạch định chiến lược, suy nghĩ logic. Họ có yêu cầu cao về hệ thống làm việc và có tư duy logic nên hợp làm quản lý cho các dự án đột phá. Tuy nhiên, họ ít quan tâm đến người khác, có tham vọng lớn và người khác cũng rất khó hiểu họ.

  • INTP – Nhà tư duy

Người thuộc nhóm tính cách INTP có khả năng giải quyết tốt vấn đề. Đối với họ, kiến thức luôn là yếu tố cốt lõi. Các INTP không thích làm quản lý, họ thường rất yêu bản thân và thích làm việc độc lập.

  • ENTJ – Nhà điều hành

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng nhóm người thuộc ENTJ có khả năng lãnh đạo rất tốt, tư duy nhạy bén và cá tính lôi cuốn. Người có tính cách ENTJ thường thích giao tiếp, coi trọng sự nghiệp và đi theo chủ nghĩa hoàn hảo. Bên cạnh đó, ENTJ là kiểu người không bị cảm xúc chi phối và không dễ đồng cảm.

  • ENTP – Người nhìn xa

ENTP là những người thích khám phá, tìm hiểu về thế giới xung quanh, thứ mới lạ và có khả năng hiểu rõ tâm lý con người nhờ vào trực giác tốt. Bên cạnh đó, ENTP cũng nhạy bén, có khả năng giao tiếp tốt và có sẵn những ý tưởng độc đáo. Tuy nhiên, họ thích làm việc tự do mà không theo nguyên tắc hay kế hoạch cụ thể nào.


(Nguồn: https://worldofwork.io/2019/07/myers-briggs-type-indicator-personality-tests/)


 

  • INFJ – Người che chở

INFJ có trực giác cực tốt, thích mọi thứ được sắp xếp khoa học. Họ kiên nhẫn, thấu hiểu người khác. INFJ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và thích làm việc độc lập. Người thuộc nhóm tính cách INFJ rất tin tưởng vào chính mình.


  • INFP – Người lý tưởng hóa

INFP là nhóm người có tính cách chu đáo, nhiệt huyệt, thích lắng nghe, thấu hiểu  người khác. INFP luôn đặt tiêu chuẩn công việc cao và họ không thích xung đột, cố tìm cách né tránh những cuộc mâu thuẫn, cãi vã.

  • ENFJ – Người cho đi

ENFJ là những người có kỹ năng hùng biện, khéo léo và biết cách đối nhân xử thế. Những người thuộc nhóm tính cách này còn giỏi xây dựng và duy trì các mối quan hệ. Họ cũng rất ấm áp, tình cảm và thường có thiên hướng sống khép kín hơn so với những người hướng ngoại.

  • ENFP – Người truyền cảm hứng

Người thuộc nhóm tính cách ENFP thường nhiệt tình và thông minh. Họ có khả năng thích nghi nhanh chóng và tương tác nhạy bén, linh hoạt với mọi việc. Nhưng các ENFP cũng dễ bị phân tán bởi thứ mới lạ và đôi lúc dường như ENFP cảm thấy nhạt nhẽo rất nhanh với mọi thứ.



(Nguồn: https://worldofwork.io/2019/07/myers-briggs-type-indicator-personality-tests/)
 

  • ISTJ – Người trách nhiệm

Các ISTJ thường trầm lặng, ưa thích sự an toàn, bình yên. ISTJ cũng luôn trung thành và đáng tin cậy bởi họ luôn giữ đúng lời hứa. ISTJ tôn trọng sự thật, tôn trọng pháp luật và rất giỏi lập kế hoạch, sắp xếp công việc. Tuy nhiên, họ không dễ đồng cảm với người khác và cảm thấy không thoải mái khi bày tỏ suy nghĩ, sở thích của mình.

  • ISFJ – Người nuôi dưỡng

ISFJ sống tình cảm và có thế giới nội tâm phong phú. ISFJ thích thực hành hơn lý thuyết và có khiếu thẩm mỹ cao, cảm quan cao. Tuy nhiên, các ISFJ rất khó hiểu bởi họ không bộc lộ cảm xúc ra ngoài nhiều cho dù bên trong đang rất sôi động. ISFJ luôn đề cao trách nhiệm của mình và cần những lời khen tích cực từ người khác.

  • ESTJ – Người giám hộ

ESTJ luôn sống thực tế và gánh vác trách nhiệm lớn. Nhóm tính cách ESTJ là những người luôn cố gắng hết mình để hoàn thành nhiệm vụ, tận tâm với mọi công việc. Tuy nhiên, ESTJ có xu hướng tự cô lập bản thân nếu bị căng thẳng đè nén.



(Nguồn: https://worldofwork.io/2019/07/myers-briggs-type-indicator-personality-tests/)

 

  • ESFJ – Người quan tâm

ESFJ là những người có tình thương và ấm áp, năng lượng dồi dào nhưng lại thích làm việc độc lập một mình. ESFJ thích lắng nghe, thấu hiểu người khác và có nhiều đặc điểm khá giống phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ hiện đại. Người thuộc nhóm tính cách này dễ bị cảm xúc chi phối và họ không nên đưa ra quyết định quan trọng. Họ cũng không quan tâm tới những ý tưởng phức tạp, thảo luận về nguyên nhân và hậu quả vấn đề.

  • ISTP – Nhà kỹ thuật

ISTP luôn tìm hiểu xem mọi thứ đang hoạt động như thế nào. Họ mạo hiểm, có niềm tin sắt đá với chính mình và luôn sẵn sàng lao vào công việc. Họ cũng rất giỏi xoay sở tình thế và là người đáng tin cậy, không thích bị nhận xét hay đánh giá chủ quan.

  • ISFP – Người nghệ sĩ

Người thuộc nhóm tính cách ISFP thường chìm đắm trong thế giới cảm xúc và bị lôi cuốn trước cái đẹp, luôn hướng đến hành động. ISFP cũng rất khiêm tốn, đáng mến, sâu sắc và thế mạnh về sáng tạo nghệ thuật, thích giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, họ khó hiểu và không phải là nhà quản lý bẩm sinh.

  • ESTP – Người thực thi

 Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng ESTP là người rất thẳng thắn và tinh ý trong việc nắm bắt được động cơ hoạt động của người khác. Ngoài ra, ESTP biết cách tạo ra những năng lượng tích cực cho mọi người. Tuy nhiên, ESTP không có trực giác tốt và không thích làm việc trong khuôn khổ.

  • ESFP – Người trình diễn

ESFP thích những trải nghiệm mới mẻ, luôn muốn được trở thành tâm điểm của sự chú ý và thu hút được nhiều người. Người thuộc nhóm tính cách này có kỹ năng giao tiếp tốt, tinh thần lạc quan và khiếu thẩm mỹ, nhận thức tốt. Nhưng ESFP không muốn dành thời gian tìm hiểu một vấn đề phức tạp và thường dựa vào sự may mắn, nhờ sự giúp đỡ từ người khác.


(Nguồn: https://worldofwork.io/2019/07/myers-briggs-type-indicator-personality-tests/)

 

Ứng dụng thực tiễn của Myers-Briggs Test

  • MBTI giúp cá nhân khám phá điểm mạnh, điểm yếu, và phong cách tương tác của mình
  • Gợi ý các nghề nghiệp phù hợp với kiểu tính cách.
  • Giúp tổ chức hiểu cách các thành viên có thể phối hợp hiệu quả hơn.
  • Xác định phong cách lãnh đạo tự nhiên và hướng phát triển
  • Hỗ trợ giáo viên hiểu phong cách học tập của học sinh.

Tuy nhiên, MBTI không phải là bài kiểm tra trí thông minh, kỹ năng hay tâm lý bệnh lý; MBTI không xếp hạng "kiểu nào tốt hơn kiểu nào". Tất cả các kiểu đều có giá trị như nhau. MBTI có tính gợi mở và định hướng phát triển, nhưng không nên sử dụng như một công cụ duy nhất để đưa ra quyết định quan trọng (ví dụ: tuyển dụng).

Tài liệu tham khảo

  •  https://www.verywellmind.com/the-myers-briggs-type-indicator-2795583
  • https://careerviet.vn/vi/talentcommunity/mbti-la-gi-tong-hop-cac-tinh-cach-mbti-co-the-ban-chua-biet.35A5239F.html
  • https://www.vietnamworks.com/hrinsider/mbti-la-gi.html
  • https://vieclam24h.vn/nghe-nghiep/ki-ot-vui-ve/mbti-la-gi
  • https://worldofwork.io/2019/07/myers-briggs-type-indicator-personality-tests/

Thứ Năm, 15 tháng 5, 2025

Double-Blind Studies in Research

Double-blind study (nghiên cứu mù đôi) là một thiết kế nghiên cứu trong đó cả người tham gia lẫn người thực hiện nghiên cứu đều không biết ai thuộc nhóm kiểm soát và ai thuộc nhóm điều trị. 

Nghĩa là, trong một nghiên cứu mù đôi:

  • Người tham gia không biết mình đang nhận "thuốc thật" hay "giả dược" (placebo).
  • Người quản lý thí nghiệm hoặc bác sĩ điều trị cũng không biết người nào đang nhận cái gì.

Mục tiêu của phương pháp này là tránh các thiên lệch (bias) vô thức trong quá trình thực hiện và đánh giá nghiên cứu.



(Nguồn: https://ebmteacher.com/2016/06/21/a-cartoon-about-blinding-using-new-tools-can-be-fun/)


Tại sao cần Double-Blind Studies?

Trong nghiên cứu, nhất là nghiên cứu y học, tâm lý học và khoa học xã hội, thiên lệch (bias) là một vấn đề rất lớn. Một số loại thiên lệch có thể xảy ra:

  • Placebo effect, là khi người tham gia cảm thấy tốt hơn chỉ vì họ nghĩ rằng họ đang nhận điều trị hiệu quả, dù thực ra không có thuốc thật.
  • Experimenter bias, xảy ra khi người thực hiện nghiên cứu có thể vô tình ảnh hưởng tới người tham gia thông qua cử chỉ, thái độ, lời nói.
  • Expectation bias, xảy ra khi người tham gia có thể thay đổi hành vi nếu biết mình ở nhóm điều trị hay nhóm giả dược.

Double-blind giúp giảm tối đa những thiên lệch này, từ đó đảm bảo rằng kết quả nghiên cứu phản ánh tác động thực sự của can thiệp, không phải do kỳ vọng hay cảm nhận chủ quan. 

Double-Blind Study khác với Single-Blind Study thế nào?

  • Single-blind study: Người tham gia không biết mình thuộc nhóm nào, nhưng người nghiên cứu thì biết.
  • Double-blind study: Cả hai bên đều không biết nhóm nào.

(Nguồn: https://www.psychologytoday.com/ca/blog/finding-a-new-home/202004/treatments-for-covid-19-and-random-assignment)


Double-blind mạnh hơn vì nó kiểm soát được thiên lệch từ cả người tham gia và người nghiên cứu. Từ đó, giúp tăng độ tin cậy của kết quả nghiên cứu, giúp đánh giá tác động thực sự của một can thiệp hoặc liệu pháp.

Một số lĩnh vực ứng dụng

  • Y học: Thử nghiệm thuốc, vắc-xin, phương pháp điều trị mới.

  • Tâm lý học: Nghiên cứu tác động của liệu pháp tâm lý.

  • Giáo dục: Đánh giá hiệu quả chương trình đào tạo.

  • Kinh tế học hành vi: Thử nghiệm phản ứng tiêu dùng với sản phẩm/dịch vụ.

Tài liệu tham khảo

  • https://www.verywellmind.com/what-is-a-double-blind-study-2795103
  • https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK546641/
  • https://www.simplypsychology.org/double-blind-experimental-study-and-procedure-explained.html

Thứ Ba, 13 tháng 5, 2025

Reciprocal Determinism

 Reciprocal Determinism, hay Thuyết Quyết định tương hỗ, là một khái niệm nền tảng trong lĩnh vực tâm lý học do nhà lý thuyết nhận thức xã hội Albert Bandura đề xuất. Lý thuyết này nêu rằng không bao giờ có mối quan hệ nhân quả một chiều đối với hành vi của con người. Thay vào đó, hành vi xuất hiện như một sản phẩm tương tác được định hình theo hai chiều bởi ba yếu tố cốt lõi : 

  • Yếu tố cá nhân (personal factors),
  • Hành vi (behavior),
  • Môi trường (environment). 

(Nguồn; https://www.structural-learning.com/post/social-cognitive-theories)


Theo Bandura, mỗi yếu tố này không tồn tại một cách độc lập. Thay vào đó, chúng liên tục tác động và bị tác động bởi các yếu tố còn lại. Cụ thể:

  • Yếu tố cá nhân như niềm tin, suy nghĩ, kỹ năng và cảm xúc sẽ ảnh hưởng đến hành vi mà cá nhân lựa chọn thực hiện.

  • Hành vi, khi được thực hiện, sẽ thay đổi môi trường xung quanh, từ đó tạo ra những phản hồi mới.

  • Môi trường, với những cơ hội, phần thưởng, hoặc rào cản, cũng ảnh hưởng ngược lại đến cách cá nhân suy nghĩ và hành động.

Chúng ta không chỉ bị môi trường định hình, mà chúng ta cũng đồng thời định hình môi trường sống của mình thông qua hành động và nhận thức. Khác với những lý thuyết hành vi cổ điển nhấn mạnh vai trò quyết định của môi trường, reciprocal determinism đặt con người vào vai trò chủ động trong quá trình học hỏi và phát triển.

Chúng ta không hoàn toàn bị động trước hoàn cảnh. Thay vào đó, thông qua hành động và nhận thức, mỗi cá nhân có khả năng tác động và thay đổi thế giới xung quanh mình.

Ví dụ, trường hợp một sinh viên đại học mới nhập học. Nếu sinh viên này tự tin vào khả năng giao tiếp của mình (yếu tố cá nhân), họ có xu hướng tham gia nhiều câu lạc bộ sinh viên hơn (hành vi). Việc tham gia này giúp họ xây dựng một mạng lưới bạn bè tích cực và nhận được nhiều hỗ trợ xã hội (môi trường). Môi trường xã hội tích cực này lại càng củng cố niềm tin của sinh viên vào bản thân, từ đó thúc đẩy họ tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động học thuật và xã hội.

Ngược lại, nếu một sinh viên cảm thấy tự ti (yếu tố cá nhân tiêu cực), họ có thể tránh các hoạt động xã hội (hành vi), dẫn tới cảm giác cô lập (môi trường tiêu cực), và sự cô lập này sẽ làm trầm trọng thêm sự tự ti của họ.


Ý nghĩa thực tiễn của lý thuyết reciprocal determinism

  • Trong giáo dục, giáo viên có thể tạo ra môi trường học tập tích cực để khuyến khích học sinh tự tin và chủ động.

  • Trong quản trị tổ chức, lãnh đạo có thể xây dựng văn hóa doanh nghiệp hỗ trợ để nhân viên phát triển khả năng và tinh thần trách nhiệm.

  • Trong trị liệu tâm lý, nhà chuyên môn có thể giúp bệnh nhân thay đổi hành vi nhỏ để từ đó cải thiện môi trường sống và suy nghĩ tích cực hơn.

(Nguồn: https://www.earlyyears.tv/albert-bandura-on-social-learning-theory-social-cognitive-theory-self-efficacy-and-bobo-doll/)


Tài liệu tham khảo

  • https://www.verywellmind.com/what-is-reciprocal-determinism-2795907
  • https://dictionary.apa.org/reciprocal-determinism
  • https://www.psychologs.com/reciprocal-determinism-in-psychology/?srsltid=AfmBOopQ2OUyt6lXUZJtUe2ilsWJLNP_pa_RtSQxdYsvu0koqGZ9CkzK

The Schachter-Singer Two-Factor Theory of Emotion

The Schachter-Singer Two-Factor Theory of Emotion (Lý thuyết cảm xúc hai nhân tố) của Schachter và Singer (1962), cho rằng cảm xúc được hình thành từ hai yếu tố kết hợp: 

  • (1) Sự kích hoạt sinh lý (physiological arousal
  • và (2) Sự gán nhãn nhận thức (cognitive labeling) cho kích hoạt đó.


(Nguồn: https://psu.pb.unizin.org/psych425/chapter/schachter-singer-two-factor-theory/)



Một số ví dụ của Two-Factor Theory of Emotion

  • Ví dụ 1: Trong một cuộc phỏng vấn xin việc
Kích hoạt sinh lý: Tim đập nhanh, lòng bàn tay đổ mồ hôi khi chờ vào phòng phỏng vấn.

Gán nhãn nhận thức:

  • Nếu bạn nghĩ: "Tôi đang hồi hộp vì đây là cơ hội lớn" thì bạn cảm thấy háo hức, phấn khích. 
  • Nếu bạn nghĩ: "Tôi lo lắng vì tôi sẽ thất bại" thì bạn cảm thấy lo âu, căng thẳng.

        Như vậy, cùng một phản ứng cơ thể, nhưng cách diễn giải khác nhau tạo ra cảm xúc khác nhau.

  • Ví dụ 2: Khi chơi tàu lượn siêu tốc
Kích hoạt sinh lý: Nhịp tim tăng mạnh, adrenaline tăng.

Gán nhãn nhận thức:
    • Nếu bạn nghĩ: "Đây là trải nghiệm thú vị!" thì bạn cảm thấy vui sướng, phấn khích.
    • Nếu bạn nghĩ: "Tàu lượn quá nguy hiểm, mình có thể bị thương!", thì bạn cảm thấy sợ hãi, hoảng loạn.

  • Ví dụ 3: Khi xem một bộ phim kinh dị
Kích hoạt sinh lý: Run rẩy, tim đập mạnh, toát mồ hôi.

Gán nhãn nhận thức:

    • Nếu bạn xem trong rạp chiếu phim với bạn bè, bạn có thể nghĩ: "Mình sợ, nhưng đây là trải nghiệm vui vẻ, an toàn." và bạn cảm thấy thích thú lẫn hồi hộp.
    • Nếu bạn đang xem một mình ở nơi tối tăm, bạn có thể nghĩ: "Mình thực sự gặp nguy hiểm." và bạn cảm thấy hoảng sợ thật sự.

Như vậy, hoàn cảnh xã hội và nhận thức ảnh hưởng lớn đến cảm xúc cuối cùng.

 



(Nguồn: https://mrseplinibpsychologyclassblog.wordpress.com/2017/12/08/schachter-singer-1962/)

Tài liệu tham khảo:

  • https://www.verywellmind.com/the-two-factor-theory-of-emotion-2795718
  • https://www.simplypsychology.org/schachter-singer-theory.html
  • https://psu.pb.unizin.org/psych425/chapter/schachter-singer-two-factor-theory/

Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2025

The Law of Effect

The Law of Effect (Định luật hiệu quả) là một nguyên lý cơ bản trong tâm lý học hành vi, được đề xuất bởi nhà tâm lý học người Mỹ Edward Thorndike vào năm 1898. Định luật này vẫn giữ nguyên giá trị trong rất nhiều lĩnh vực từ giáo dục, kinh doanh đến phát triển sản phẩm và công nghệ học máy hiện đại.

Nội dung chính của The Law of Effect là "Nếu một hành vi được theo sau bởi kết quả hài lòng (thưởng, kết quả tích cực), thì xác suất tái diễn hành vi đó sẽ tăng lên. Ngược lại, nếu hành vi dẫn đến kết quả khó chịu (phạt, hậu quả tiêu cực), thì xác suất hành vi đó được lặp lại sẽ giảm xuống".

Ví dụ đơn giản:

Một con mèo trong thí nghiệm của Thorndike: khi mèo đạp đúng cần gạt trong "hộp thử nghiệm", cửa mở ra và mèo được thưởng thức ăn → mèo ngày càng nhanh chóng đạp cần gạt. 

Nếu hành động nào không mang lại lợi ích, con mèo sẽ giảm dần hành động đó.


(Nguồn: https://rockymountaindogtraining.com/blogs/rmdt-dog-blog/the-passenger)

The Law of Effect cho rằng hành vi được định hình và duy trì bởi hậu quả của chính nó, những hành vi mang lại kết quả tích cực có xu hướng được lặp lại, trong khi những hành vi dẫn đến hậu quả tiêu cực sẽ giảm dần.

Đây là một trong những nền tảng đầu tiên cho sự phát triển của thuyết hành vi (Behaviorism) trong thế kỷ 20, và cũng là nền móng cho các khái niệm hiện đại như:

  • Operant Conditioning (B.F. Skinner) về huấn luyện hành vi thông qua phần thưởng và trừng phạt.

(Nguồn: https://library.fiveable.me/learning/unit-3/thorndikes-law-effect/study-guide/yfqtVKYaMJp2Yoap)


  • Reinforcement (củng cố hành vi), nói về việc hành động có hệ quả tốt sẽ được lặp lại.

  • Behavior Modification (thay đổi hành vi): ứng dụng trong giáo dục, tâm lý trị liệu, quản lý hành vi cá nhân.

Một số ứng dụng thực tiễn của Law of Effect

  • Giáo viên dùng phần thưởng để khuyến khích học sinh học tập tích cực hơn. 
  • Khen thưởng nhân viên khi đạt thành tích để thúc đẩy hiệu suất làm việc.
  • Các ứng dụng game, học tập thường thiết kế phần thưởng nhỏ để khuyến khích hành vi người dùng.


Tài liệu tham khảo

  • https://www.britannica.com/science/Thorndikes-law-of-effect
  • https://www.simplypsychology.org/edward-thorndike.html
  • https://nadiahanin.wordpress.com/thorndike-the-law-of-effect/
  • https://link.springer.com/referenceworkentry/10.1007/978-1-4419-1428-6_90
  • https://vietnambiz.vn/qui-luat-hieu-ung-law-of-effect-la-gi-ung-dung-trong-kinh-doanh-2019120113550775.htm

Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2025

TOTE Model

TOTE Model là gì?

TOTE là viết tắt của  Test (Kiểm tra) - Operate (Vận hành) - Test (Kiểm tra) - Exit  (Thoát)

Mô hình này được phát triển vào năm 1960 bởi ba nhà nghiên cứu nổi tiếng: George A. Miller, Eugene Galanter và Karl Pribram. TOTE ra đời nhằm thay thế các lý thuyết hành vi đơn giản kiểu "kích thích – phản ứng" (stimulus-response), bằng cách tiếp cận chủ động hơn đối với hành vi của con người.

Theo TOTE Model, hành vi được điều khiển thông qua một chu trình tự kiểm tra và điều chỉnh liên tục cho đến khi đạt được mục tiêu mong muốn.

Các bước trong TOTE Model

  1. Test (Kiểm tra):
    Đánh giá tình trạng hiện tại – đã đạt mục tiêu chưa?

  2. Operate (Vận hành):
    Nếu chưa đạt, thực hiện hành động nhằm thay đổi trạng thái hiện tại.

  3. Re - test (Kiểm tra lại):
    Kiểm tra lần nữa sau khi hành động để xem đã đạt mục tiêu chưa.

  4. Exit (Thoát):
    Nếu đã đạt mục tiêu, kết thúc quá trình. Nếu chưa, tiếp tục lặp lại chu trình.


(Nguồn: https://www.nlp-hessen.de/nlp-lexikon/t-o-t-e-modell)

TOTE phản ánh cách con người thực sự hành động: không chỉ phản ứng với kích thích, mà liên tục so sánh thực tại với mục tiêu và điều chỉnh hành động khi cần thiết.  Mô hình này cũng đặt nền tảng cho nhiều lý thuyết hiện đại về học tập, giải quyết vấn đề, phát triển trí tuệ nhân tạo, và thiết kế hệ thống tự động hóa.

Ứng dụng thực tiễn của TOTE Model

TOTE Model có thể được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực:

  • Trong giáo dục: học sinh tự kiểm tra tiến trình học tập, điều chỉnh chiến lược học nếu cần.

Test: Sinh viên kiểm tra kết quả bài kiểm tra giữa kỳ, nhận thấy chỉ đạt điểm C.

Operate: Thay đổi phương pháp học, lập kế hoạch ôn tập tốt hơn, tham gia nhóm học tập.

Re-test: Làm bài tập thêm, tự kiểm tra lại sự hiểu bài, tham gia thi thử.

Exit: Khi đạt được kết quả tiến bộ (ví dụ điểm A trong bài kiểm tra thử), sinh viên duy trì phương pháp hiện tại.
  • Trong thể thao: Ví dụ một vận động viên tennis muốn cải thiện cú giao bóng..

Test: Đánh giá chất lượng cú giao bóng (về tốc độ, độ chính xác).

Operate: Thực hiện thay đổi kỹ thuật: điều chỉnh tư thế, góc đánh, lực cổ tay.

Re-test: Đo lại thành tích sau mỗi lần tập luyện hoặc thi đấu thử.

Exit: Khi cú giao bóng đạt mục tiêu mong muốn 
  • Trong quản lý doanh nghiệp, ví dụ để cải thiện quy trình làm việc

Test: Đo thời gian hiện tại để hoàn thành một đơn hàng (ví dụ: mất 5 ngày).

Operate: Triển khai các biện pháp cải tiến như tự động hóa một số bước, tái phân bổ nhân sự.

Retest: Đo lại thời gian sau khi áp dụng thay đổi.

Exit: Khi thời gian xử lý giảm xuống đúng mục tiêu (ví dụ: chỉ còn 2 ngày).



(Nguồn: https://www.transformdestiny.com/nlp-guide/nlp-strategies-tote.asp)

 


Không chỉ là lý thuyết tâm lý, TOTE Model còn là nguyên lý thực tiễn cho việc học hỏi, thích nghi, cải tiến và thành công.

Tài liệu tham khảo

  • https://www.linkedin.com/pulse/understanding-tote-model-pathway-effective-goal-alex-tolmachev-vgpwe/
  • https://www.britannica.com/science/TOTE
  • https://www.robin-stevens.nl/nlp/technieken/tote-model/


Thứ Tư, 7 tháng 5, 2025

COM-B model

COM-B model là một mô hình hành vi (behavior model) được phát triển bởi Susan Michie và các cộng sự năm 2011, nhằm giúp hiểu và thay đổi hành vi một cách có hệ thống.


(Nguồn: https://implementationscience.biomedcentral.com/articles/10.1186/s13012-018-0821-y)



Tên "COM-B" là viết tắt của ba yếu tố cơ bản cấu thành hành vi (Behavior):

CCapability (Năng lực): chủ thể có khả năng về thể chất hoặc tâm lý để thực hiện hành vi không? (biết cách làm, có kỹ năng, thể lực cần thiết)

OOpportunity (Cơ hội): Các yếu tố bên ngoài (vật lý, xã hội) có tạo điều kiện để hành vi xảy ra không? (cơ sở vật chất, sự hỗ trợ xã hội, môi trường thuận lợi)

MMotivation (Động cơ): Người đó có đủ động lực để thực hiện hành vi không? (niềm tin, kỳ vọng, cảm xúc, giá trị cá nhân)

Theo COM-B, hành vi (B) xảy ra khi có đủ ba yếu tố: Năng lực, Cơ hội và Động cơ thực hiện. Nghĩa là, hành vi (B) chỉ xảy ra nếu: Người đó có năng lực để làm, Có cơ hội để thực hiện hành vi, Và có động lực để quyết định làm. Nếu thiếu một trong ba yếu tố, hành vi sẽ khó xảy ra hoặc sẽ không bền vững.


(Nguồn: https://communitiesforanimals.thebrooke.org/en/resources/13-guidance-on-identifying-effective-behaviour-change-strategies-based-on-com-b-diagnosis/)



Ứng dụng thực tiễn của COM-B model

COM-B model được áp dụng rất linh hoạt trong các lĩnh vực như y tế công cộng, giáo dục, chính sách xã hội, marketing, quản trị nhân sự, giúp thiết kế can thiệp hành vi có hệ thống, tăng tính hiệu quả và bền vững.

Trong giáo dục: Thúc đẩy hành vi học tập tích cực, chẳng hạn như khuyến khích sinh viên tự học và nộp bài đúng hạn
  • Capability : Đào tạo kỹ năng tự quản lý thời gian, đọc hiểu tài liệu học thuật.
  • Opportunity : Thiết kế môi trường học tập trực tuyến dễ tiếp cận, hỗ trợ kỹ thuật kịp thời.
  • Motivation : Cung cấp động lực nội tại (như các badge khen thưởng, phản hồi tích cực) và động lực bên ngoài (như điểm thưởng).
COM-B giúp nhà trường thiết kế không chỉ bài giảng, mà cả cơ chế hỗ trợ hành vi học tập.

Quản trị nhân sự: Thay đổi hành vi tại nơi làm việc, như khuyến khích nhân viên tuân thủ quy định an toàn lao động


  • Capability : Tập huấn thường xuyên về quy trình an toàn.
  • Opportunity : Cung cấp thiết bị bảo hộ phù hợp, môi trường làm việc an toàn.
  • Motivation : Thưởng cho đội tuân thủ tốt; chia sẻ hậu quả tiêu cực của việc vi phạm quy định an toàn.
COM-B giúp doanh nghiệp nhìn ra rằng nếu chỉ đưa ra quy định mà không tạo môi trường thuận lợi và động lực mạnh mẽ, nhân viên khó tuân thủ.

Chính sách công: Thúc đẩy hành vi thân thiện với môi trường, chẳng hạn như khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng
  • Capability : Hướng dẫn sử dụng vé điện tử, lịch trình xe buýt rõ ràng.
  • Opportunity : Cải thiện hệ thống giao thông công cộng: nhiều tuyến, sạch sẽ, an toàn.
  • Motivation : Truyền thông về lợi ích cá nhân (tiết kiệm tiền) và lợi ích cộng đồng (giảm ô nhiễm).
COM-B giúp chính phủ thiết kế các can thiệp tổng thể, không chỉ kêu gọi ý thức.

Marketing và thiết kế sản phẩm: Hướng dẫn hành vi tiêu dùng, chẳng hạn như khuyến khích người tiêu dùng chọn sản phẩm xanh
  • Capability : Cung cấp thông tin minh bạch về sản phẩm xanh, nhãn eco-label.
  • Opportunity : Đặt sản phẩm xanh ở vị trí nổi bật trong siêu thị; giảm giá sản phẩm xanh.
  • Motivation : Quảng bá giá trị "tiêu dùng có trách nhiệm", tạo cảm giác tự hào khi mua hàng xanh.
COM-B giúp marketer không chỉ thay đổi nhận thức mà còn thay đổi hành vi thực tế.


Tài liệu tham khảo

  • https://thedecisionlab.com/reference-guide/organizational-behavior/the-com-b-model-for-behavior-change
  • https://www.unicef.org/innocenti/media/3801/file/Evidence-based-Intervention-Design-Behaviour-Change-2023.pdf
  • https://www.sciencedirect.com/topics/psychology/com-b-model

Thứ Hai, 5 tháng 5, 2025

Thick description

Thick description (Mô tả dày) là một phương pháp nghiên cứu trong nhân học, xã hội học và các ngành khoa học xã hội, nhằm miêu tả không chỉ hành động mà còn bối cảnh, ý nghĩa văn hóa, và động cơ đằng sau hành động đó. 


(Nguồn: https://www.hortussemioticus.ut.ee/wp-content/uploads/2021/12/thick-thin-description.jpg)


Thuật ngữ "thick description" xem như được khởi đầu bởi triết gia Gilbert Ryle (1950s). Thuật ngữ này được đưa vào lý thuyết khoa học xã hội hiện đại bởi nhà nhân học Clifford Geertz trong tác phẩm nổi tiếng The Interpretation of Cultures (1973).



(Nguồn: https://www.researchgate.net/publication/340986348)


Thin Description và Thick Description

  • Thin Description (mô tả mỏng) dùng để chỉ những mô hành động trên bề mặt, chỉ mô tả cái gì đã xảy ra.

  • Thick Description (mô tả dày), ngược lại, không chỉ ghi lại hành động đã xảy ra, mà còn phân tích ý nghĩa văn hóa, tâm lý, xã hội mà hành động đó mang theo.

Ví dụ đơn giản:

  • Thin Description: "Anh ấy nháy mắt."

  • Thick Description: "Anh ấy nháy mắt để ngầm báo hiệu sự thông đồng về một trò đùa nội bộ, trong một nền văn hóa nơi nháy mắt có hàm ý chia sẻ bí mật."

Điều quan trọng trong Thick Description là phải hiểu được bối cảnh, biểu tượng, ý nghĩa xã hội đằng sau hành vi.

Vai trò của Thick Description trong nghiên cứu định tính

Trong nghiên cứu định tính, nơi mà mục tiêu đặt ra là cần hiểu được sâu sắc các hiện tượng xã hội trong bối cảnh thực tế, thick description đóng vai trò quan trọng. Cụ thể là: 

    Diễn giải sâu sắc bối cảnh xã hội và văn hóa

Thick Description không chỉ ghi lại ai làm gì, mà còn vì sao họ làm như vậy trong bối cảnh đó; do vậy giúp người đọc thấu hiểu với thế giới quan và giá trị của người trong cuộc

    Làm rõ ý nghĩa và biểu tượng của hành động

Trong xã hội, hành động có thể mang nhiều lớp nghĩa (multi-layered meanings)Thick description giúp giải mã các tầng ý nghĩa và biểu tượng ẩn sau hành động, nghi lễ, lời nói…

    Giúp bảo vệ tính tin cậy và thuyết phục trong nghiên cứu định tính

Do nghiên cứu định tính không thể đo lường bằng số liệu, thick description cung cấp dữ liệu mô tả dày và phong phú, làm bằng chứng thuyết phục cho lập luận; từ đó giúp người đọc kiểm chứng, đánh giá lại cách hiểu của nhà nghiên cứu, tăng tính minh bạch và xác thực của thông tin.

Tài liệu tham khảo

  • https://www.oxfordreference.com/display/10.1093/oi/authority.20110803103924305

  • https://www.qualiq.ca/blog/what-thickness-means-in-qualitative-research

  • https://www.ecologyandsociety.org/vol7/iss1/art12/append4.html

  • https://www.statisticssolutions.com/using-thick-description-to-demonstrate-trustworthiness-in-qualitative-research/

  • https://www.researchgate.net/publication/340986348/figure/fig4/AS:885466886852609@1588123165369/Thin-description-thick-description-and-theory-writing-Source-Beuving-and-de-Vries.png

Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2025

Muted Group Theory

Muted Group Theory (Lý thuyết nhóm im lặng) được phát triển ban đầu bởi Edwin Ardener (1975), một nhà nhân học, và sau đó được mở rộng bởi Shirley Ardener. Lý thuyết này giải thích cách các nhóm yếu thế trong xã hội thường bị hạn chế khả năng biểu đạt suy nghĩ, kinh nghiệm và nhu cầu của mình; dẫn đến việc các nhóm yếu thế thường chọn cách thích nghi với hoàn cảnh bằng thái độ im lặng.


(Nguồn: https://upload.wikimedia.org)

Muted Group Theory được xây dựng dựa trên ba giả định chính:

  • Ngôn ngữ do nhóm thống trị (dominant group) xây dựng: Ngôn ngữ chủ yếu phản ánh kinh nghiệm, lối suy nghĩ và giá trị của nhóm quyền lực trong xã hội (ví dụ: nam giới trong xã hội gia trưởng).

  • Các nhóm bị yếu thế (subordinate groups) thường sẽ điều chỉnh hoặc diễn giải kinh nghiệm của mình theo cách phù hợp với hệ thống ngôn ngữ vốn không thuộc về họ.
  • Việc này dẫn tới sự im lặng (muting), có nghĩa là những ý kiến hoặc ý tưởng của nhóm yếu thế thường bị biến dạng, bỏ qua, hoặc không thể diễn đạt một cách đầy đủ trong không gian truyền thông, học thuật và công cộng.

Trong quản trị, lý thuyết này được vận dụng hợp lý sẽ giúp tạo ra những không gian truyền thông toàn diện, nơi các nhóm thiểu số có thể biểu đạt kinh nghiệm của họ mà không phải thay đổi ngôn ngữ hay bóp méo. 


Tài liệu tham khảo

  • https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1002/9781118783665.ieicc0228
  • http://tapchikhxhhcm.org.vn/index.php/tapchikhxh/article/view/324

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2025

Cognitive Dissonance Theory

Thuyết bất hoà nhận thức - Cognitive Dissonance Theory - là một lý thuyết trong tâm lý học xã hội, được đề xuất bởi nhà tâm lý học Leon Festinger vào năm 1957. Lý thuyết này cho rằng chúng ta có động lực bên trong để giữ mọi thái độ và hành vi của mình hài hòa và tránh bất hòa. Đây được gọi là nguyên tắc nhất quán về nhận thức.


(Nguồn: https://thedecisionlab.com/biases/cognitive-dissonance)


Lý thuyết này cũng chỉ ra rằng con người cảm thấy khó chịu khi niềm tin, giá trị hoặc thái độ của họ mâu thuẫn với hành vi của họ. Khi có sự bất nhất giữa các thái độ hoặc hành vi (bất hòa), một điều gì đó phải thay đổi để loại bỏ sự bất hòa.

Một số dấu hiệu của nhận thức bất hòa

  • Cảm thấy không thoải mái trước khi làm điều gì đó hoặc đưa ra quyết định
  • Cố gắng biện minh hoặc hợp lý hóa quyết định bạn đã đưa ra hoặc hành động bạn đã thực hiện
  • Cảm thấy xấu hổ hoặc hổ thẹn về điều gì đó bạn đã làm và cố gắng che giấu hành động của mình với người khác
  • Cảm thấy tội lỗi hoặc hối tiếc về điều gì đó bạn đã làm trong quá khứ
  • Làm những việc vì áp lực xã hội hoặc sợ bỏ lỡ (FOMO), ngay cả khi đó không phải là điều bạn muốn làm

(Nguồn: https://www.simplypsychology.org/cognitive-dissonance.html)



Lưu ý rằng lý thuyết bất hòa nhận thức không nêu rằng các chế độ giảm bất hòa này thực sự có hiệu quả, chỉ nêu rằng những cá nhân đang trong trạng thái bất hòa nhận thức sẽ thực hiện các bước để giảm mức độ bất hòa của họ.


Các ví dụ về Cognitive Dissonance



(Nguồn: https://www.simplypsychology.org/cognitive-dissonance.html)


  1. Một người biết rằng hút thuốc có hại cho sức khỏe nhưng vẫn tiếp tục hút thuốc. Người này có thể cảm thấy xung đột nhận thức và cố gắng giảm thiểu nó bằng cách tìm kiếm thông tin hỗ trợ quan điểm rằng hút thuốc không hại hoặc ít hại hơn người ta nghĩ.

  2. Một người có niềm tin mạnh mẽ vào việc tiết kiệm tiền cho tương lai, nhưng lại mua sắm phung phí. Để giảm thiểu sự xung đột này, người đó có thể tự thuyết phục bản thân rằng việc mua sắm là cần thiết cho việc cải thiện tâm trạng hiện tại hoặc là một khoản đầu tư.

  3. Một người muốn khỏe mạnh, nhưng không muốn tập thể dục thường xuyên hoặc ăn một chế độ ăn uống bổ dưỡng. 

  4. Bạn có một danh sách việc cần làm dài, nhưng thay vào đó lại dành cả ngày để xem các chương trình yêu thích của mình. Bạn không muốn vợ/chồng mình biết, vì vậy bạn cố gắng làm cho nó trông giống như bạn đã làm việc chăm chỉ cả ngày.

  5. Bạn muốn tích lũy tiền tiết kiệm nhưng có xu hướng chi tiêu thêm tiền ngay khi có được. Bạn hối hận về quyết định này sau đó, chẳng hạn như khi phải đối mặt với một khoản chi phí bất ngờ mà bạn không có tiền để chi trả.



(nguồn: https://images.prismic.io/thedecisionlab/c57249df-b26e-4e24-b9dd-aa491b829fc6_Untitled_Artwork-2.png?auto=compress,format)



Một số chương trình truyền hình và phim có các nhân vật trải qua sự bất hòa nhận thức như:
    • Mean Girls
    • Friends
    • The Truman Show
    • Irresistible
    • Stand By Me

Cognitive Dissonance Theory là một công cụ quan trọng trong tâm lý học vì nó giúp hiểu rõ cách thức con người đối phó với mâu thuẫn giữa niềm tin và hành vi. Lý thuyết này không chỉ áp dụng trong việc nghiên cứu cá nhân mà còn trong các lĩnh vực như marketing, quản lý sức khỏe, tư vấn và giáo dục, giúp thiết kế các chiến lược hiệu quả hơn để thay đổi hành vi hoặc củng cố niềm tin.


Nguồn tham khảo

  • https://www.brandsvietnam.com/congdong/topic/346031-7-thuyet-tam-ly-hoc-giup-tang-ty-le-chuyen-doi-cho-content
  • https://www.simplypsychology.org/cognitive-dissonance.html
  • https://www.apa.org/pubs/books/Cognitive-Dissonance-Intro-Sample.pdf
  • https://www.verywellmind.com/what-is-cognitive-dissonance-2795012
  • https://helpfulprofessor.com/cognitive-dissonance-theory-examples/

The Myers-Briggs Test

The Myers-Briggs Type Indicator (MBTI), thường được gọi ngắn gọn là Myers-Briggs Test , là một công cụ trắc nghiệm tâm lý dùng để xác định ...